Trong khi nhiều con phố của Thủ đô Hà Nội luôn tắc nghẽn từ sáng đến chiều, với hầu hết là xe máy và ô tô ken kín, Công ty TNHH một thành viên Xe đạp Thống Nhất mỗi ngày xuất bán 500 đến 800 chiếc xe đạp các loại.
Những xe đạp khung gấp, xe đạp thể thao, xe có giảm xóc, có may-ơ số chuyển đổi tốc độ… tiếp tục được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa khẳng định sức sống 50 năm qua của Xe đạp Thống Nhất, đưa doanh nghiệp này lên vị trí đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xe đạp tại Việt Nam.
Không những thế, thương hiệu Thống Nhất, Viha đã được biết đến ở khắp các châu lục, từ các nước công nghiệp phát triển nhất như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, đến Malaysia, Singapore… vinh danh Thống Nhất là Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong suốt các năm từ 2005 - 2009, với kim ngạch xuất khẩu trung bình khoảng 5 triệu USD/năm.
Sự trưởng thành của Xe đạp Thống Nhất đến từ những quyết định đổi mới.
Với tư duy mới, Xe đạp Thống Nhất chọn cách đối mặt với cạnh tranh để tìm hướng tiến lên. Việc lựa chọn công nghệ mới, đầu tư thiết bị hiện đại đã tạo nên năng lực lớn hơn cả về năng suất và chất lượng, một lợi thế trong cạnh tranh.
Chỉ tính riêng trong vài năm gần đây, Công ty đã đầu tư hơn 2 triệu USD mua sắm thiết bị, công nghệ hiện đại nhất từ Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan…, trong đó phải kể đến hệ thống các máy ép nhựa cao cấp, dây chuyền sơn bột tĩnh điện tự động, máy hàn robot, máy uốn hai đầu tự động hóa không dùng sức lao động...
Trong năm 2009, Công ty đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng nhà máy mới tại Cầu Diễn (Từ Liêm - Hà Nội) rộng 12 nghìn m2 với công nghệ sản xuất liên hoàn. Đây thực chất là một dây chuyền hoàn tất quá trình sản xuất, từ khâu chế tạo khung, phụ tùng linh kiện đến lắp ráp xe đạp hoàn chỉnh thành phẩm.
Một cơ sở khác tại Thanh Liệt (Thanh Trì) rộng 21 nghìn m2 cũng đang được gấp rút đầu tư với các trang thiết bị đồng bộ, cho phép sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Những nhà máy được đầu tư từ giai đoạn trước như Viha, Đống Đa, nay cũng từng bước được chuyên môn hóa theo loại sản phẩm, nhằm tới mục tiêu chuyển đổi toàn Công ty sang mô hình công ty mẹ-con vào năm 2010.
Sự khác biệt về công nghệ sản xuất và năng lực thiết bị tạo nên sức cạnh tranh lớn cho sản phẩm, giúp Xe đạp Thống Nhất có khả năng chế tạo, lắp ráp hơn 100 cỡ, loại xe đạp từ thông dụng đến cấu tạo phức tạp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vì, định hướng chiến lược của Xe đạp Thống Nhất là: “chỉ đưa ra thị trường sản phẩm loại A để đảm bảo uy tín”.
Thực hiện đúng theo cam kết
Công ty đã xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2001, hệ thống quản lý chất lượng về môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý quốc tế IWAY, QWAY (IKEA) trong tất cả các khâu từ quản trị điều hành, đến sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng.
Sự hoàn thiện của thương hiệu Thống Nhất thể hiện ở cách thức kinh doanh mới được hoạch định hướng về thị trường, khách hàng và người tiêu dùng. Những nghiên cứu thị trường thường xuyên và có hệ thống giúp Thống Nhất nắm được mong muốn của khách hàng để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu khác nhau của khách hàng.
Với thị trường các thành phố lớn, Xe đạp Thống Nhất chiếm lĩnh ở phân khúc sản phẩm cao cấp, hiện đại. Mẫu xe địa hình 18 tốc độ vành 2 tầng cao cấp, hay xe BMX thể thao khung nhôm, các loại xe phụ tùng i-nốc, xe không xích, xe khung gấp…đang chinh phục giới học sinh, sinh viên ở đô thị.
Trong khi đó, sản phẩm dành cho khu vực nông thôn hướng đến đặc điểm vừa để di chuyển, vừa vận tải hàng hóa nên cần khung xe khỏe, chắc chắn nhưng vẫn phải giữ dáng không thô – mà trái lại rất thời trang và “mốt”. Các dòng xe như mini, cào cào @, xe nam, xe nữ… mang thương hiệu Thống Nhất luôn được thị trường này ưa chuộng bởi tiện ích mà nó mang lại.
Còn với thị trường xuất khẩu
Các loại xe may-ơ nhiều số, xe có cỡ bánh lớn từ 660 đến 700mm hoàn toàn thích hợp với dáng người cao lớn và sở thích đi xe đạp leo núi ở các nước phát triển.
Đó là sự khác biệt của doanh nghiệp đã tồn tại 50 năm qua, vượt qua thời kế hoạch hóa bao cấp nhưng vẫn theo kịp yêu cầu của cạnh tranh và nắm thị phần chi phối. Xe đạp Thống Nhất đã xây dựng được cơ cấu thị trường vững vàng, với khoảng 40% cho xuất khẩu, 40% sản phẩm cung cấp cho khu vực thành thị, và 20% cho nông thôn.
Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của Xe đạp Thống Nhất tăng 22% so với năm 2008, đạt 212 tỷ đồng, tương đương mỗi lao động làm ra gần 1 triệu đồng giá trị sản phẩm/ngày; doanh thu đạt 235 tỷ đồng, tăng 35%; xuất khẩu hơn 5 triệu USD, tăng 30% so với năm trước đó.