Không chỉ có designer và chuyên viên về in ấn mới hiểu về giấy. Là một người dùng máy in bình thường, bạn cũng có thể “hiểu theo cách của mình” về các loại giấy một cách dễ dàng và đầy thú vị, vì giấy là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm in. Việc hiểu rõ đặc tính của từng loại giấy sẽ giúp quý khách hàng có được sản phẩm như ý.
Nói về giấy, ta phải luôn nhớ cách gọi như sau: Tên giấy + định lượng(gram/m2). Định lượng giấy chúng ta thường dùng dao động từ 80gr – 300gr(tùy theo từng loại). Loại mỏng như cuốn báo giá BigC định lượng 60gr – 65gr, hay name card thường sử dụng từ 250gr – 300gr.
VD: Glossy 210 (Loại giấy tên Glossy hay còn gọi là giấy ảnh, có trọng lượng là 210gr/m2 giấy) Sau đây là những loại giấy phổ biến nhất (theo MILQ) để các bạn tham khảo:
1. Giấy Ford:
Là loại giấy phổ biến và thông dụng, thường thấy nhất là giấy A4 trong các tiệm photo, định lượng thường là 70-80-90g/m2. Giấy ford có bề mặt nhám, bám mực tốt (do đó mực in không
đẹp lắm) cũng được dùng làm bao thư lớn, bao thư nhỏ, giấy note, letter head (giấy tiêu đề), hóa đơn, tập học sinh …
2. Giấy Bristol:
Có bề mặt hơi bóng, mịn, bám mực tốt vừa phải, vì thế in offset đẹp, thường dùng in hộp xà bông, mỹ phẩm, dược phẩm, bìa sơ mi, brochure, card, tờ rơi, poster , thiệp cưới, thiệp mời… Định lượng thường thấy ở mức 230 – 350g/m2.
3. Giấy Ivory:
Cũng tương tự như Bristol, nhưng chỉ có một mặt láng, mặt còn lại sần sùi, thường nằm ở mặt trong sản phẩm (Giấy được dùng làm bao bì thực phẩm thường phải được kiểm định an toàn thực phẩm khi được sử dụng làm vỏ hộp, vỏ bao bì thực phẩm).
4. Giấy Couche:
Loại thường có bề mặt bóng, mịn, láng, in rất bắt mắt và sáng (vì vậy nên giấy phản quang, chói mắt khi bắt ánh sáng). Dùng để in tờ rơi quảng cáo, catalogue, poster, brochure …
Định lượng vào khoảng 90-300g/m2. Ngoài ra, còn có Couche Matt cũng tương tự nhưng không phản xạ ánh sáng, thường được dùng để in các loại tạp chí cao cấp.
5. Giấy Duplex:
Có bề mặt trắng và láng gần giống với Bristol, mặt kia thường sẫm như giấy bồi. Thường dùng in các hộp sản phẩm kích thước khá lớn, cần có độ cứng, chắc chắn vì định lượng thường trên 300g/m2.
6. Giấy Crystal:
Có một mặt rất láng bóng gần như có phủ lớp keo bóng vậy, mặt kia nhám,thường xài trung gian giữa giấy Bristol và giấy Couche tùy theo mục đích yêu cầu sản phẩm…
7. Decal:
Là loại giấy có keo mặt sau. Sản phẩm Decal sử dụng để in nhãn dán lên các sản phẩm khác của khách hàng.
Cấu tạo Decal gồm 3 lớp chính:
– Lớp 1: Là lớp mặt giấy/ nhựa, khi in ta in lên lớp này.
– Lớp 2: Lớp keo dính chặt vào lớp 1, dùng để dán dính lớp 1 và sản phẩm với nhau.
– Lớp 3: Là 1 lớp giấy ép sát vào phần keo để bảo vệ lớp keo khi decal chưa sử dụng.
Các loại decal:
– Decal giấy: Là bề măt in (lớp 1) làm bằng giấy.
– Decal nhựa: Là bề măt in (lớp 1) làm bằng nhựa ( có 2 loại: nhựa trong và nhựa trắng sữa).
– Decal bể: Là loại decal mà mặt in được làm bằng 1 loại giấy đặt biệt, rất dễ vỡ. Khi dán vào sản phẩm thì không thể tháo ra được nguyên vẹn. sử dụng để in các loại tem bảo hành.
– Decal 7 màu: Là loại decal bóng, khi nhìn vào decal sẽ thấy thật nhiều màu sắc chiếu lên trông rất đẹp.
– Decal mỹ thuật: Là Decal của giấy mỹ thuật.
8. Carbonless:
Loại giấy dùng để in các biểu mẫu cần sao chép nhiều bản mà không cần dùng giấy than. Trên bề mặt giấy có phủ một lớp hợp chất hóa học mà khi tương tác với nhau, nội dung viết trên trang đầu sẽ được sao chép lên trang sau.
9. Kraft:
Là loại giấy tái sinh, bề mặt tương đối thô, thường có màu nâu vàng nhưng có thể được tẩy trắng để dễ cho việc sản xuất đa dạng. Giấy Kraft sử dụng làm túi giấy, đóng gói…
10. PP:
Là 1 loại giấy sử dụng trong ngành in Kỹ thuật số. PP chất lượng hơn giấy ảnh, mặt sau có keo (giống như Decal) hay không có keo. PP sử dụngđể in Poster, in quảng cáo trong văn phòng, in tranh ảnh trưng bày, lưu niệm, trang trí. Giá thành rẻ, dễ in, dễ sử dụng.
11. Hiflex:
Là 1 loại nhựa PVC có phủ 1 lớp keo chuyên dùng, Hiflex là 1 loại nguyên liệu trong ngành in kỹ thuật số, với kích thước lớn thường sử dụng để in các bảng quảng cáo ngoài trời vì đặt tính chiụ
nắng, chịu mưa và co giãn tốt.
Ngoài ra, có các loại giấy mỹ thuật, cán gân, dát vàng, bạc để in bằng khen, thiệp cưới, các loại giấy than, giấy carton và nhiều loại khác nữa …
Những điểm lưu ý về giấy:
– Kích thước luôn viết chiều ngắn hơn trước.
– Tất cả các khổ trong các dãy A, B và C đều là các hình chữ nhật với tỷ lệ 2 cạnh là căn bậc 2 của 2, xấp xỉ 1.414. Diện tích của khổ A0 quy định là 1m².
– Các cạnh của khổ A0 do đó được xác định là 841 × 1189 mm.
– Các khổ trong cùng dãy được theo thứ tự xác định lùi, khổ sau có diện tích bằng 50% diện tích khổ trước (được chia bằng cách cắt khổ trước theo đường cắt song song với cạnh ngắn).
Kích thước giấy các loại:
Khổ A / Kích thước (mm) Khổ B / Kích thước (mm) Khổ C / Kích thước (mm)
A0 / 841×1189 | B0 / 1000×1414 | C0 / 917×1297 |
A1 / 594×841 | B1 / 707×1000 | C1 / 648×917 |
A2 / 420×594 | B2 / 500×707 | C2 / 458×648 |
A3 / 297×420 | B3 / 353×500 | C3 / 324×458 |
A4 / 210×297 | B4 / 250×353 | C4 / 229×324 |
A5 / 148×210 | B5 / 176×250 | C5 / 162×229 |
A6 / 105×148 | B6 / 125×176 | C6 / 114×162 |
A7 / 74×105 | B7 / 88×125 | C7 / 81×114 |
A8 / 52×74 | B8 / 52×88 | C8 / 57×81 |
A9 / 37×52 | B9 / 44×62 | |
A10 / 26×37 | B10 / 31×44 | |
A11 / 18×26 | B11 / 22X31 | |
A12 / 13×18 | B12 / 15×22 | |
A13 / 9×13 |
Ngoài những loại giấy in công nghiệp trên, thị trường Việt Nam còn có những loại giấy như Glossy ( Giấy in ảnh), Inkjet (Giấy in màu), Giấy in Card,.. thường dùng trong các dịch vụ in nhanh, số lượng ít nhưng nói số lượng ít thì cũng không đúng vì số lượng giấy chiếm khá lớn trong ngành in, giá cả hợp lý chất lượng thì đáp ứng được gần như hầu hết nhu cầu của khách hàng.